Bạn đam mê và yêu hoa
lan? Chắc chắn là vậy, và bạn cũng luôn muốn sở hữu những giò lan đẹp, đúng là vậy
chứ? Bạn có điều kiện kinh tế, có thể bỏ nhiều tiền ra để mua ngay và sở hữu
ngay giò lan mình thích, nhưng khi chơi hoa xong thì cây lan của bạn lại lụi
dần.
Cón bạn chơi theo
quan điểm, chết lại trồng, chết lại trồng, khi chưa nắm những nguyên lý cơ bản
về đặc tính sinh thái của cây lan, như vậy trồng chả khác nào phá hại, muối bỏ
bể.
( Hậu quả của việc thay chậu không đúng KT )
Phần tài chính của bạn eo hẹp cũng như không có đủ tiền để sở hữu ngay một giò lan khủng, độc..., và bạn chỉ
biết ngắm và ước ao. nhưng dù thế nào thì bạn sẽ đều sẽ có thể được sở hữu những giò
lan đẹp, chỉ cần bạn biết cách ghép và chăm sóc lan, việc này không khó khi bạn
chịu đọc hết bài viết này. ( đây cũng là kinh nghiệm cá nhân mình tìm tòi và học hỏi những kinh nghiệm bậc cao thủ chơi lan
nhiều nơi ).
I. CÁCH LỰA CHON LAN ĐỂ CHƠI.
Mới chơi, theo mình
chọn lan rừng là phù hợp nhất và cũng đẹp nhất, rừng có nhiều loại, có loại dễ
thuần, có loại khó thuần, có loại gần như không thể thuần, có loại hợp khí hậu
vùng này, có loại hợp khí hậu vùng khác, tùy sở thích, điều kiện khí hậu mà
chơi.
Lan rừng nhiều loại
nhưng có 4 nhóm chính: Thân thòng (như Phi điệp, trầm, long tu, u lồi, thái
bình, hạc vỹ…), Đơn thân (giáng hương, quế, nhạn, tam bảo sắc, tai trâu,
cáo, sóc, hải yến …), Địa lan và Hài.
( Phi Điệp Tím Hòa Bình )
( Quế Lan Hườn Trắng )
( Địa La Hồ Điệp )
( Lan hài đột biến )
( Hoa Lan Tai Trâu Trắng )
Trong các nhóm này
theo mình có 3 loại nên trồng nhất đó là Phi điệp (Giả hạc), Đai Châu (Nghinh
xuân, Ngọc điểm, Tai trâu) và Quế vì 3 loại này hội đủ các yếu tố nhứ dễ trồng và chăm
sóc, hoa đẹp, thơm, màu hoa và hình dáng hoa đa dạng, giá vừa phải, riêng Tai
trâu nở vào Tết cổ truyền nên càng quý. Chỉ cần bạn có một giò Phi điệp độc,
một trụ Tai trâu khủng, hay giò Quế lớn là bạn đủ để người khác phải nể rồi.
Sau đây là cách trồng, chăm sóc từng loại.
II. GHÉP, CHĂM SÓC
1. LỰA CHỌN PHI ĐIỆP TÍM
Tại sao chọn Phi Điệp
(Giả hạc ) để trồng ? và lại là lựa chọn hàng đầu
Lựa chọn như vậy nó cũng có cái căn nguyên và lý do của lựa chọn đó
- Thứ nhất, nó dễ trồng, ai đã chơi rồi đều biết, Phi điệp cực kỳ dễ trồng, các cụ xưa đã đem ở rừng về cột vào thân cây trong vườn chả tưới tắm gì mà vẫn xanh tốt, ra hoa đều đặn. Tôi đã gặp ở nhiều nơi, chỉ cột vào thân nhãn, mít, thậm chí thân cau – nắng chiếu gần như trực tiếp vẫn to đẹp. Nó phù hợp với mọi vùng miền, từ miền bắc, núi cao khí lạnh, đến miền nam mưa nhiều, miền trung khô nóng, vùng biển mặn mòi đến Tây Nguyên nắng gió, đều trồng và ra hoa được, có thể treo dưới gốc cây, ghép cây sống, treo giàn, ghép dớn, gỗ, chậu đều ok, có thể chịu nắng tới 100% ( trừ nơi nắng gắt). Có nơi tôi thấy người dân còn dùng thau nhôm thủng, lốp ô tô, giỏ xe đạp, máng lợn hỏng… trồng cũng ok.
- Thứ hai, hoa đẹp, hoa phi điệp là loại hoa đẹp với màu sắc quyến rũ, từ tím đến hồng nhạt, trắng, Phi điệp là loại đa dạng nhất về màu hoa. Hiện nay, loại 5 cánh trắng và trắng tuyền là loại đặc biệt được ưa chuộng và cũng đẹp, nhưng tôi vẫn thích màu tím đậm hơn. Hình dạng hoa cũng có nhiều hình dáng khác nhau như cánh cong hay cụp, kích cỡ to hay nhỏ, môi hoa hình bầu hay nhọn… Mới chơi chúng ta sẽ tìm hiểu dần về mặt hoa.
- Thứ ba, hương hoa phi điệp rất thơm, mùi thơm quyến rũ mà ai thưởng rồi sẽ không quên, gần như hương Trầm, cũng tương tự lan Trầm. Một giò phi điệp nở sẽ thơm cả khu vườn, đem vào nhà treo thì tuyệt.
- Thứ tư, hoa phi điệp rất bền (nếu không bị mưa, nắng và côn trùng thụ phấn), của nhà mình có cây gần một tháng mới tàn.
- Thứ năm, ít sâu bệnh, thối nhũn, đây là vấn đề lớn với người mới chơi lan, các loại khác thường hay bị nấm, thối nhũn, nhưng phi điệp thì rất khoẻ rất ít khi sâu bệnh, nấm vì mùa đông rụng lá nên không lưu mầm sâu bệnh, chỉ khi mưa xong nắng to dễ bị thối nhũn mầm non thôi.
- Thứ sáu, phi điệp đa dạng về vùng miền xuất xứ như Hoà Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Cát Bà, Thái Nguyên, Ninh Bình, Phong Nha, Daklay, Chumoray, Hòn Hèo, Di Linh… Mỗi nơi có đặc sắc riêng về màu và kết cấu hoa. Do vậy, nó được giới chơi lan thích thú sưu tầm vùng miền.
- Thứ bảy, về giá cả, đây là vấn đề ai cũng quan tâm vì đa phần chúng ta đều chưa khá giả, và bao giờ cũng thích rẻ, hiện nay do những ưu điểm của Phi điệp nên trong rừng tự nhiên bị khai thác cạn kiệt, mặt khác do nhu cầu cao, các nhà vườn đẩy giá nên giá Phi điệp khá cao nếu mua giò đã thuần (đã ghép ra rễ bám giá thể) trung bình khoảng 100k/thân trưởng thành tùy loại (trừ giá 5 cánh trắng, trắng tuyền, Di Linh xuân… giá quá cao, chúng ta mới chơi sẽ không nên mua loại này, khi có đủ kinh nghiệm và tiền bạc ta sẽ bàn về nó). Giá hàng kg có lúc khoảng 350-450 k/kg, nhưng hiện nay do có nguồn hàng từ Tây Nguyên, Campuchia, Lào về nên giá khoảng 250-300 k/kg hàng đẹp (hàng qua sơ tuyển), hàng tạp thì tầm 150k-200k/kg. Tất nhiên hàng đẹp ở đây thì chưa bàn tới mặt hoa, chỉ đánh giá dựa trên thân, gốc, lá…
- Thứ tám, rất dễ nhân giống, ai cũng có thể làm được, bà con ta đã làm từ nhiều đời nay rồi (mình sẽ chia sẻ ở phần sau về kinh nghiệm nhân giống).
phần này cũng rất quan trọng. vì sao ? trước hết bạn
nên hiểu đặc tính của phong lan thân thòng thường ra mầm mới, ra hoa vào mùa
xuân, mùa hè tiếp tục phát triển đến cuối thu thì bắt đầu xuống lá, thắt ngọn
(ngọn thắt mập lại, lá vàng và rụng dần đến hết, vài trường hợp, giống có thể
còn lá xanh), mùa đông thì nghỉ chờ và mùa xuân lại chu kỳ mới, cây sẽ ra hoa ở
thân đã rụng lá (chỉ ra một năm, năm sau sẽ thành thân già). Như vậy, chúng ta
nên ghép mùa đông là thuận lợi và phù hợp nhất,
tại sao không phải mùa khác? Khi
mùa đông cây đã nghỉ, lá đã rụng, và dinh dưỡng đã tích đủ chỉ chờ mùa xuân ấm
áp là nảy mầm, mọc rễ và bung hoa, ghép mùa này cây sẽ không bị dập lá, đứt rễ,
gãy ngọn ảnh hưởng tới sự phát triển của cây, hơn nữa, mua giống sẽ rất dôi vì
lá đã rụng, rễ khô, nên sẽ được nhiều hơn (trường hợp mua hàng kg). Nếu bạn
ghép mùa xuân, rất có thể sẽ vô tình làm hỏng mầm tơ rất mong manh, nó sẽ chột
cây, mùa hè khi ghép cây đang sinh trưởng sẽ bị chột do bị bóc rễ ra, lá rất dễ
bị dập, mùa thu là giai đoạn quan trọng tích dưỡng chất mà ghép cây sẽ không
mập mạp đủ dưỡng chất cho mùa hoa năm tới.
3. LỰA CHỌN GIỐNG.
Mới chơi, bạn nên mua
lan rừng đã trưởng thành, nếu thành giò (cả khóm), đã được trồng trong vườn nhà
càng tốt vì dễ trồng, dễ sống, cây khỏe. Cũng có thể mua keiki (cây con mọc từ
thân già) về trồng nhưng một là sẽ rủi ro vì bạn chưa có kinh nghiệm nên dễ
chết, khó phát triển, và phải chờ vài mùa mới có hoa ngắm, dễ nản.
Còn mua lan trưởng
thành sẽ được chơi hoa ngay năm đầu, sẽ cho bạn thêm hứng thú (giữ được hứng
thú lâu dài cũng là vấn đề quan trọng đó nhé, không chỉ chơi lan). Hiện tại trên thị trường có rất nhiều nguồn cung cấp, có thể mua trực tiếp hoặc qua mạng, trên
các hội lan cũng rao bán nhiều.
khi mua, người mới chơi
chúng ta không cần tìm hiểu nhiều về vùng, miền, sau khi chơi có kinh nghiệm
chúng ta sẽ tìm hiểu sau, nó là cả một vấn đề lớn. Hiện người chơi lâu năm
thường sưu tầm vùng miền. Cá nhân tôi, không thấy vấn đề gì nhiều về vùng miền,
quan trọng là thân dài, mập, hoa sai, dày, càng tím đậm càng đẹp, mặt hoa rạng
rỡ (tất nhiên vùng miền có ảnh hưởng, nhưng giờ ai biết được nó xuất xứ vùng
nào, trừ khi bạn tận mắt thấy nó đang mọc ở đó, đây là quan điểm cá nhân).
4. CHỌN GIÁ THỂ ĐỂ GHÉP.
Giá thể là chỗ cho
lan bám vào phát triển, giá thể có thể cũng là nơi cung cấp độ ẩm, dưỡng chất
cho cây lan, tóm lại như ngôi nhà của chúng ta vậy, phải an cư mới lạc nghiệp.
Giá thể trồng Phi
điệp rất dễ,
- Cây sống, quá tuyệt vời rồi, ghép trực tiếp vào cây sống là phương pháp ông cha ta đã làm từ bao đời, cũng là cách hợp tự nhiên nhất như trong thiên nhiên lan Phi điệp sinh sống, cây sống sẽ cung cấp độ ẩm cho rễ của lan, vỏ cây mục sẽ cho lan dưỡng chất (nên nhớ lan không làm hại cây chủ vì lan không phải loại ký sinh, không ăn bám, bởi vậy Lan mới quý). Chúng ta sẽ không phải chăm sóc nhiều, tôi đã thấy bà con ta cứ bỏ mặc mà em nó vẫn xanh tốt và hoa sai đẹp. Cách này có nhược điểm là khi mưa nhiều, nắng to, gió bão có thể làm hỏng cây, vì không treo vào nơi an toàn được.
- Gỗ khô, đây là giá thể phổ biến nhất, dễ kiếm, rẻ tiền, dễ ghép, dễ tạo hình nghệ thuật. Bạn nên chọn gỗ chắc, khó mục thì giá thể sẽ bền, lưu ý vài loại gỗ đắng, độc không nên dùng như xoan, bạch đàn. Chúng ta hiện sử dụng phổ biến nhất là nhãn, vải, vú sữa… Một trào lưu đang thịnh hành là dùng gỗ lũa để ghép, như vậy giá trị giò lan sẽ tăng lên nhiều lần cả về thẩm mỹ và giá thành. Vậy tuỳ bạn chọn nhé.
- Dớn, mới chơi, nhiều bạn chưa hiểu là gì vì trước mình cũng vậy, thực ra nó đơn giản là thân cây Dương Xỉ rừng, được cắt khúc phơi khô, có thể xẻ thành tấm, hoặc làm hình chậu, với đặc tính thoáng, thoát nước nhanh, bền, rẻ nên cũng được ưa chuộng trồng nhiều loại lan, trong đó có Phi điệp
- Chậu đất nung, ưu điểm bền, nhưng theo mình thân thòng trồng loại này nhìn không đẹp (đây là quan điểm và thẩm mỹ của riêng mình). Có thể trồng ngang, dốc ngược chậu, hoặc khoét ngang để trồng, cũng lạ mắt.
- Chậu gỗ, mới xuất hiện vài năm trở lại đây, nhưng chậu gỗ nhanh chóng được yêu thích (loại chậu đóng nghệ thuật hình trụ, bầu, nón cụt, sen… Chứ không phải dạng khay như dân tự đóng trước kia) mình cũng thích chơi loại chậu này.
Tận dụng vật hư hỏng
của gia đình bạn cũng có thể làm một giá thể độc cho giò lan của bạn như can
hỏng, xô chậu hỏng, bạn đục lỗ xung quanh, lốp ô tô, xe máy, bình muối dưa, có
bạn còn dùng cả vạt giường… Miễn đừng lấy đồ dùng đang tốt ra làm là bị vợ xử
đó, không có cơ hội chơi lan nữa đâu (sự ủng hộ của một nửa là nhân tố lớn tới
đam mê và khả năng hiện thực của bạn là đây).
Đọc tới đây bạn đã thấy dài và mờ mắt chưa ?! Tiếp tục bạn nhé
Bạn có thể sáng tạo
giá thể nào tùy bạn, miễn đủ tiêu chí: có chỗ cho lan bám rễ, giữ ẩm tốt mà
thoát nước nhanh (thế mới khó), bền, thẩm mỹ.
Về chất trong chậu,
do chậu gỗ và đất nung hay chậu gì khác cần chất trồng để bám rễ, cung cấp nước
và dinh dưỡng. Mình thấy mỗi người, mỗi nơi một cách, chả có công thức chung
nào, người cho than hoa, người cho dớn, người cho vỏ cây, rêu rừng, bã chè, xơ
dừa, hoặc tổng hợp, … Nói chung không quan trọng lắm miễn là đủ tiêu chí như
trên và có thể cung cấp hoặc dự trữ nước, dinh dưỡng cho lan là ổn (Dinh dưỡng
hòa tan và nước ta bổ sung qua tưới). Mình đã thấy có người trồng bằng thau
nhôm thủng, cho gỗ mục cây trồng chui xuống qua lỗ thòng xuống mà dài cả 2 mét,
hỏi họ bảo chả chăm sóc gì, chỉ thỉnh thoảng tưới nước gạo (vấn đề phân bón ta
sẽ bàn sau).
Đến đây là ổn rồi,
bây giờ vào việc chính đó là ghép lan
5. GHÉP LAN.
Trước khi ghép lan phải có đồ nghề , các bạn nên mua một súng bắn ghim giá từ 80-110k làm sẽ nhàn
và đẹp, còn nếu không có vẫn được thôi , ngày đầu mình chả có cũng làm được, dây buộc có thể
dùng dây ni lông dây vải, chun, (mình thích dùng dây ống nước mềm cắt dọc
to khoảng ngón út là vừa bền, có độ co giãn vừa phải, tận dụng ống nước hỏng),
dây thép treo giá thể, vậy là đã đủ đồ nghề cơ bản rồi,
Nào ta cùng tiến hành nhé .
Đối với lan mùa đã
rụng lá: Khi mua bạn nên chọn thân mập, đã thắt ngọn, nhiều thân tơ (thân
hoa), chú ý thân già trước xem mùa hoa trước nở từ đâu ta có thể đánh giá được
độ sai hoa của cây, kinh nghiệm thân càng sẫm thì hoa càng tím, nếu lá
vàng úa, rụng .. bạn cũng đừng lo mà càng vui vì nhẹ cân, tính ra có lợi, trước
sau lá này vào mùa nghỉ nó cũng rụng thôi. sau khi lựa chọn và mua về, ta tiền hành cắt bỏ và tỉa bỏ những rễ khô sau đó ghép vào giá thể gỗ, dớn, chậu...như đã nói trên, có thể dùng dây sắt, vải, dây nhựa...để buộc cố định vào giá thể, ta có thể kết hợp với tảo, rêu...để dữ độ ẩm cho lan, khi đã ghép vào giá thể ta để vào nơi râm mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào lan làm cho lan yếu, và tưới ngày 2 lần, sáng sớm và chiều tối. hết bước này thì chỉ việc chăm sóc và đầu tư chút thời gian chăm sóc là bạn có một giò lan đẹp rồi, chúc các bạn thành công và sớm có giò lan ưng ý.
Trên đây là kinh nghiệm cá nhân của mình. cảm ơn các bạn đã quan tâm.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét