Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Nghệ Nhân yêu lan và kinh nghiệm

Bạn đam mê và yêu hoa lan? Chắc chắn là vậy, và bạn cũng luôn muốn sở hữu những giò lan đẹp, đúng là vậy chứ? Bạn có điều kiện kinh tế, có thể bỏ nhiều tiền ra để mua ngay và sở hữu ngay giò lan mình thích, nhưng khi chơi hoa xong thì cây lan của bạn lại lụi dần.

Cón bạn chơi theo quan điểm, chết lại trồng, chết lại trồng, khi chưa nắm những nguyên lý cơ bản về đặc tính sinh thái của cây lan, như vậy trồng chả khác nào phá hại, muối bỏ bể.

    ( Hậu quả của việc thay chậu không đúng KT ) 
Phần tài chính của bạn eo hẹp cũng như không có đủ tiền để sở hữu ngay một giò lan khủng, độc..., và bạn chỉ biết ngắm và ước ao. nhưng dù thế nào thì bạn sẽ đều sẽ có thể được sở hữu những giò lan đẹp, chỉ cần bạn biết cách ghép và chăm sóc lan, việc này không khó khi bạn chịu đọc hết bài viết này.  ( đây cũng là kinh nghiệm cá nhân mình tìm tòi và học hỏi những kinh nghiệm bậc cao thủ chơi lan nhiều nơi ).
I. CÁCH LỰA CHON LAN ĐỂ CHƠI.
Mới chơi, theo mình chọn lan rừng là phù hợp nhất và cũng đẹp nhất, rừng có nhiều loại, có loại dễ thuần, có loại khó thuần, có loại gần như không thể thuần, có loại hợp khí hậu vùng này, có loại hợp khí hậu vùng khác, tùy sở thích, điều kiện khí hậu mà chơi.
Lan rừng nhiều loại nhưng có 4 nhóm chính: Thân thòng (như Phi điệp, trầm, long tu, u lồi, thái bình, hạc vỹ…), Đơn thân (giáng hương, quế, nhạn, tam bảo sắc, tai trâu, cáo, sóc, hải yến …), Địa lan và Hài.
( Phi Điệp Tím Hòa Bình )

( Quế Lan Hườn Trắng )
 ( Địa La Hồ Điệp )

( Lan hài đột biến )

( Hoa Lan Tai Trâu Trắng )
Trong các nhóm này theo mình có 3 loại nên trồng nhất đó là Phi điệp (Giả hạc), Đai Châu (Nghinh xuân, Ngọc điểm, Tai trâu) và Quế vì 3 loại này hội đủ các yếu tố nhứ dễ trồng và chăm sóc, hoa đẹp, thơm, màu hoa và hình dáng hoa đa dạng, giá vừa phải, riêng Tai trâu nở vào Tết cổ truyền nên càng quý. Chỉ cần bạn có một giò Phi điệp độc, một trụ Tai trâu khủng, hay giò Quế lớn là bạn đủ để người khác phải nể rồi. Sau đây là cách trồng, chăm sóc từng loại.
II. GHÉP, CHĂM SÓC
1. LỰA CHỌN PHI ĐIỆP TÍM
Tại sao chọn Phi Điệp (Giả hạc ) để trồng ? và lại là lựa chọn hàng đầu
Lựa chọn như vậy nó cũng có cái căn nguyên và lý do của lựa chọn đó
  • Thứ nhất, nó dễ trồng, ai đã chơi rồi đều biết, Phi điệp cực kỳ dễ trồng, các cụ xưa đã đem ở rừng về cột vào thân cây trong vườn chả tưới tắm gì mà vẫn xanh tốt, ra hoa đều đặn. Tôi đã gặp ở nhiều nơi, chỉ cột vào thân nhãn, mít, thậm chí thân cau – nắng chiếu gần như trực tiếp vẫn to đẹp. Nó phù hợp với mọi vùng miền, từ miền bắc, núi cao khí lạnh, đến miền nam mưa nhiều, miền trung khô nóng, vùng biển mặn mòi đến Tây Nguyên nắng gió, đều trồng và ra hoa được, có thể treo dưới gốc cây, ghép cây sống, treo giàn, ghép dớn, gỗ, chậu đều ok, có thể chịu nắng tới 100% ( trừ nơi nắng gắt). Có nơi tôi thấy người dân còn dùng thau nhôm thủng, lốp ô tô, giỏ xe đạp, máng lợn hỏng… trồng cũng ok.
  • Thứ hai, hoa đẹp, hoa phi điệp là loại hoa đẹp với màu sắc quyến rũ, từ tím đến hồng nhạt, trắng, Phi điệp là loại đa dạng nhất về màu hoa. Hiện nay, loại 5 cánh trắng và trắng tuyền là loại đặc biệt được ưa chuộng và cũng đẹp, nhưng tôi vẫn thích màu tím đậm hơn. Hình dạng hoa cũng có nhiều hình dáng khác nhau như cánh cong hay cụp, kích cỡ to hay nhỏ, môi hoa hình bầu hay nhọn… Mới chơi chúng ta sẽ tìm hiểu dần về mặt hoa.
  • Thứ ba, hương hoa phi điệp rất thơm, mùi thơm quyến rũ mà ai thưởng rồi sẽ không quên, gần như hương Trầm, cũng tương tự lan Trầm. Một giò phi điệp nở sẽ thơm cả khu vườn, đem vào nhà treo thì tuyệt.
  • Thứ tư, hoa phi điệp rất bền (nếu không bị mưa, nắng và côn trùng thụ phấn), của nhà mình có cây gần một tháng mới tàn.
  • Thứ năm, ít sâu bệnh, thối nhũn, đây là vấn đề lớn với người mới chơi lan, các loại khác thường hay bị nấm, thối nhũn, nhưng phi điệp thì rất khoẻ rất ít khi sâu bệnh, nấm vì mùa đông rụng lá nên không lưu mầm sâu bệnh, chỉ khi mưa xong nắng to dễ bị thối nhũn mầm non thôi.
  • Thứ sáu, phi điệp đa dạng về vùng miền xuất xứ như Hoà Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Cát Bà, Thái Nguyên, Ninh Bình, Phong Nha, Daklay, Chumoray, Hòn Hèo, Di Linh… Mỗi nơi có đặc sắc riêng về màu và kết cấu hoa. Do vậy, nó được giới chơi lan thích thú sưu tầm vùng miền.
  • Thứ bảy, về giá cả, đây là vấn đề ai cũng quan tâm vì đa phần chúng ta đều chưa khá giả, và bao giờ cũng thích rẻ, hiện nay do những ưu điểm của Phi điệp nên trong rừng tự nhiên bị khai thác cạn kiệt, mặt khác do nhu cầu cao, các nhà vườn đẩy giá nên giá Phi điệp khá cao nếu mua giò đã thuần (đã ghép ra rễ bám giá thể) trung bình khoảng 100k/thân trưởng thành tùy loại (trừ giá 5 cánh trắng, trắng tuyền, Di Linh xuân… giá quá cao, chúng ta mới chơi sẽ không nên mua loại này, khi có đủ kinh nghiệm và tiền bạc ta sẽ bàn về nó). Giá hàng kg có lúc khoảng 350-450 k/kg, nhưng hiện nay do có nguồn hàng từ Tây Nguyên, Campuchia, Lào về nên giá khoảng 250-300 k/kg hàng đẹp (hàng qua sơ tuyển), hàng tạp thì tầm 150k-200k/kg. Tất nhiên hàng đẹp ở đây thì chưa bàn tới mặt hoa, chỉ đánh giá dựa trên thân, gốc, lá…
  • Thứ tám, rất dễ nhân giống, ai cũng có thể làm được, bà con ta đã làm từ nhiều đời nay rồi (mình sẽ chia sẻ ở phần sau về kinh nghiệm nhân giống).
2. LỰA CHỌN THỜI ĐIỂM GHÉP
phần này cũng rất quan trọng. vì sao ?  trước hết bạn nên hiểu đặc tính của phong lan thân thòng thường ra mầm mới, ra hoa vào mùa xuân, mùa hè tiếp tục phát triển đến cuối thu thì bắt đầu xuống lá, thắt ngọn (ngọn thắt mập lại, lá vàng và rụng dần đến hết, vài trường hợp, giống có thể còn lá xanh), mùa đông thì nghỉ chờ và mùa xuân lại chu kỳ mới, cây sẽ ra hoa ở thân đã rụng lá (chỉ ra một năm, năm sau sẽ thành thân già). Như vậy, chúng ta nên ghép mùa đông là thuận lợi và phù hợp nhất, 
tại sao không phải mùa khác? Khi mùa đông cây đã nghỉ, lá đã rụng, và dinh dưỡng đã tích đủ chỉ chờ mùa xuân ấm áp là nảy mầm, mọc rễ và bung hoa, ghép mùa này cây sẽ không bị dập lá, đứt rễ, gãy ngọn ảnh hưởng tới sự phát triển của cây, hơn nữa, mua giống sẽ rất dôi vì lá đã rụng, rễ khô, nên sẽ được nhiều hơn (trường hợp mua hàng kg). Nếu bạn ghép mùa xuân, rất có thể sẽ vô tình làm hỏng mầm tơ rất mong manh, nó sẽ chột cây, mùa hè khi ghép cây đang sinh trưởng sẽ bị chột do bị bóc rễ ra, lá rất dễ bị dập, mùa thu là giai đoạn quan trọng tích dưỡng chất mà ghép cây sẽ không mập mạp đủ dưỡng chất cho mùa hoa năm tới.
3. LỰA CHỌN GIỐNG.
Mới chơi, bạn nên mua lan rừng đã trưởng thành, nếu thành giò (cả khóm), đã được trồng trong vườn nhà càng tốt vì dễ trồng, dễ sống, cây khỏe. Cũng có thể mua keiki (cây con mọc từ thân già) về trồng nhưng một là sẽ rủi ro vì bạn chưa có kinh nghiệm nên dễ chết, khó phát triển, và phải chờ vài mùa mới có hoa ngắm, dễ nản.
Còn mua lan trưởng thành sẽ được chơi hoa ngay năm đầu, sẽ cho bạn thêm hứng thú (giữ được hứng thú lâu dài cũng là vấn đề quan trọng đó nhé, không chỉ chơi lan). Hiện  tại trên thị trường có rất nhiều nguồn cung cấp, có thể mua trực tiếp hoặc qua mạng, trên các hội lan cũng rao bán nhiều.
khi mua, người mới chơi chúng ta không cần tìm hiểu nhiều về vùng, miền, sau khi chơi có kinh nghiệm chúng ta sẽ tìm hiểu sau, nó là cả một vấn đề lớn. Hiện người chơi lâu năm thường sưu tầm vùng miền. Cá nhân tôi, không thấy vấn đề gì nhiều về vùng miền, quan trọng là thân dài, mập, hoa sai, dày, càng tím đậm càng đẹp, mặt hoa rạng rỡ (tất nhiên vùng miền có ảnh hưởng, nhưng giờ ai biết được nó xuất xứ vùng nào, trừ khi bạn tận mắt thấy nó đang mọc ở đó, đây là quan điểm cá nhân).
4. CHỌN GIÁ THỂ ĐỂ GHÉP.
Giá thể là chỗ cho lan bám vào phát triển, giá thể có thể cũng là nơi cung cấp độ ẩm, dưỡng chất cho cây lan, tóm lại như ngôi nhà của chúng ta vậy, phải an cư mới lạc nghiệp.
Giá thể trồng Phi điệp rất dễ,
  • Cây sống, quá tuyệt vời rồi, ghép trực tiếp vào cây sống là phương pháp ông cha ta đã làm từ bao đời, cũng là cách hợp tự nhiên nhất như trong thiên nhiên lan Phi điệp sinh sống, cây sống sẽ cung cấp độ ẩm cho rễ của lan, vỏ cây mục sẽ cho lan dưỡng chất (nên nhớ lan không làm hại cây chủ vì lan không phải loại ký sinh, không ăn bám, bởi vậy Lan mới quý). Chúng ta sẽ không phải chăm sóc nhiều, tôi đã thấy bà con ta cứ bỏ mặc mà em nó vẫn xanh tốt và hoa sai đẹp. Cách này có nhược điểm là khi mưa nhiều, nắng to, gió bão có thể làm hỏng cây, vì không treo vào nơi an toàn được.
  • Gỗ khô, đây là giá thể phổ biến nhất, dễ kiếm, rẻ tiền, dễ ghép, dễ tạo hình nghệ thuật. Bạn nên chọn gỗ chắc, khó mục thì giá thể sẽ bền, lưu ý vài loại gỗ đắng, độc không nên dùng như xoan, bạch đàn. Chúng ta hiện sử dụng phổ biến nhất là nhãn, vải, vú sữa… Một trào lưu đang thịnh hành là dùng gỗ lũa để ghép, như vậy giá trị giò lan sẽ tăng lên nhiều lần cả về thẩm mỹ và giá thành. Vậy tuỳ bạn chọn nhé.
  • Dớn, mới chơi, nhiều bạn chưa hiểu là gì vì trước mình cũng vậy, thực ra nó đơn giản là thân cây Dương Xỉ rừng, được cắt khúc phơi khô, có thể xẻ thành tấm, hoặc làm hình chậu, với đặc tính thoáng, thoát nước nhanh, bền, rẻ nên cũng được ưa chuộng trồng nhiều loại lan, trong đó có Phi điệp
  • Chậu đất nung, ưu điểm bền, nhưng theo mình thân thòng trồng loại này nhìn không đẹp (đây là quan điểm và thẩm mỹ của riêng mình). Có thể trồng ngang, dốc ngược chậu, hoặc khoét ngang để trồng, cũng lạ mắt.
  • Chậu gỗ, mới xuất hiện vài năm trở lại đây, nhưng chậu gỗ nhanh chóng được yêu thích (loại chậu đóng nghệ thuật hình trụ, bầu, nón cụt, sen… Chứ không phải dạng khay như dân tự đóng trước kia) mình cũng thích chơi loại chậu này.

Tận dụng vật hư hỏng của gia đình bạn cũng có thể làm một giá thể độc cho giò lan của bạn như can hỏng, xô chậu hỏng, bạn đục lỗ xung quanh, lốp ô tô, xe máy, bình muối dưa, có bạn còn dùng cả vạt giường… Miễn đừng lấy đồ dùng đang tốt ra làm là bị vợ xử đó, không có cơ hội chơi lan nữa đâu (sự ủng hộ của một nửa là nhân tố lớn tới đam mê và khả năng hiện thực của bạn là đây).

Đọc tới đây bạn đã thấy dài và mờ mắt chưa ?! Tiếp tục bạn nhé
Bạn có thể sáng tạo giá thể nào tùy bạn, miễn đủ tiêu chí: có chỗ cho lan bám rễ, giữ ẩm tốt mà thoát nước nhanh (thế mới khó), bền, thẩm mỹ.
Về chất trong chậu, do chậu gỗ và đất nung hay chậu gì khác cần chất trồng để bám rễ, cung cấp nước và dinh dưỡng. Mình thấy mỗi người, mỗi nơi một cách, chả có công thức chung nào, người cho than hoa, người cho dớn, người cho vỏ cây, rêu rừng, bã chè, xơ dừa, hoặc tổng hợp, … Nói chung không quan trọng lắm miễn là đủ tiêu chí như trên và có thể cung cấp hoặc dự trữ nước, dinh dưỡng cho lan là ổn (Dinh dưỡng hòa tan và nước ta bổ sung qua tưới). Mình đã thấy có người trồng bằng thau nhôm thủng, cho gỗ mục cây trồng chui xuống qua lỗ thòng xuống mà dài cả 2 mét, hỏi họ bảo chả chăm sóc gì, chỉ thỉnh thoảng tưới nước gạo (vấn đề phân bón ta sẽ bàn sau).
Đến đây là ổn  rồi, bây giờ vào việc chính đó là ghép lan
5. GHÉP LAN.
Trước khi ghép lan  phải có đồ nghề , các bạn nên mua một súng bắn ghim giá từ 80-110k làm sẽ nhàn và đẹp, còn  nếu không có vẫn được thôi , ngày đầu mình chả có cũng làm được, dây buộc có thể dùng dây ni lông  dây vải, chun, (mình thích dùng dây ống nước mềm cắt dọc to khoảng ngón út là vừa bền, có độ co giãn vừa phải, tận dụng ống nước hỏng), dây thép treo giá thể, vậy là đã đủ đồ nghề cơ bản rồi,
 Nào ta cùng tiến hành nhé .
Đối với lan mùa đã rụng lá: Khi mua bạn nên chọn thân mập, đã thắt ngọn, nhiều thân tơ (thân hoa), chú ý thân già trước xem mùa hoa trước nở từ đâu ta có thể đánh giá được độ sai hoa của cây, kinh nghiệm thân càng sẫm thì hoa càng tím, nếu lá vàng úa, rụng .. bạn cũng đừng lo mà càng vui vì nhẹ cân, tính ra có lợi, trước sau lá này vào mùa nghỉ nó cũng rụng thôi. sau khi lựa chọn và mua về, ta tiền hành cắt bỏ và tỉa  bỏ những rễ khô sau đó ghép vào giá thể gỗ, dớn, chậu...như đã nói trên, có thể dùng dây sắt, vải, dây nhựa...để buộc cố định vào giá thể, ta có thể kết hợp với tảo, rêu...để dữ độ ẩm cho lan, khi đã ghép vào giá thể ta để vào nơi râm mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào lan làm cho lan yếu, và tưới ngày 2 lần, sáng sớm và chiều tối. hết bước này thì chỉ việc chăm sóc và đầu tư chút thời gian chăm sóc là bạn có một giò lan đẹp rồi, chúc các bạn thành công và sớm có giò lan ưng ý.
Trên đây là kinh nghiệm cá nhân của mình. cảm ơn các bạn đã quan tâm.












Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Trichoglottis Seidenfadenii - Lan Lưỡi Tóc Lông

Trichoglottis Seidenfadenii 
Lan Lưỡi Tóc Lông


Lan sống phụ sinh, thân dài đến 1m, có đốt cách nhau 2cm, nhiều rễ chống. Lá thuôn bầu dục, dài 5 - 8cm, rộng 2 - 2, 2cm, đỉnh chia hai thùy không đều. Hoa đơn độc, màu vàng có đốm nâu.
Tên Việt Nam: Lan lưỡi tóc lông
Tên Latin: Trichoglottis seidenfadenii
Đồng danh: Trichoglottis seidenfadenii Aver; Trichoglottis tomentosa Seidenf.
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Lớp (nhóm): Cây phụ sinh

Mô tả: Lan sống phụ sinh, thân dài đến 1m, có đốt cách nhau 2cm, nhiều rễ chống. Lá thuôn bầu dục, dài 5 - 8cm, rộng 2 - 2, 2cm, đỉnh chia hai thùy không đều. Hoa đơn độc, màu vàng có đốm nâu. Cánh môi màu trắng, gốc tím có lông ở giữa.

Phân bố: Cây mọc từ Nha Trang đến Kiên Giang, Côn Đảo và loài này còn phân bố ở Thái Lan.

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC LAN

1. THIẾT KẾ VƯỜN
Nếu trồng lan kinh doanh cần thiết kế khung giàn lan làm bằng sắt chắc chắn, đảm bảo bền để chống gió bão. Giàn che ánh sáng dùng lưới màu xám hay xanh đen. Giàn đặt chậu làm bằng sắt, giàn treo làm bằng tầm vông hay sắt ống nước. Xung quanh vườn cần dựng hàng rào chắn chắc chắn hay rào bằng lưới B40. Thiết kế hàng trồng theo hướng Bắc Nam để vuông góc với dường đi của ánh nắng. Các chậu lan cần chọn cùng cỡ kích thước, cùng giống, cùng độ tuổi, bố trí theo từng khu vực để dễ chăm sóc. Nước tưới phải sạch, có rãnh nước dưới dàn lan để tạo khí hậu mát cho vườn lan. Nếu trồng lan để chơi trên lan can, mái hiên, sân thượng cần chú ý rằng tiểu khí hậu các nơi này thường bị khô nóng do ảnh hưởng của các kết cấu bê tông, mái tole… xung quanh. Cần đặt thêm các chậu cảnh khác như cau, mai chiếu thuỷ, nguyệt quế… để giảm bớt ảnh hưởng của các yếu tố này. Cần che bớt ánh sáng mặt trời, tránh ánh nắng chiếu toàn bộ, nhất là vào buổi chiều.

2. CHỌN GIỐNG
Loài thích hợp cho trồng lan kinh doanh là Dendrobium, Phalaenopsis, Oncidium, Vanda, Cattleya… đây là những loài ra hoa khỏe, đẹp và bền cây, cho thu hoạch liên tục. Nếu trồng lan để chơi, giải trí nên trồng Dendrobium, Vũ nữ, Hồ điệp; đây là những loài dễ chăm sóc và ra hoa. Có thể nhân giống bằng nuôi cấy mô hay tách mầm. Điều kiện môi trường nuôi cấy mô phong lan với nhiệt độ 22-27oC, cường độ ánh sáng thích hợp, pH từ 5-5,7. Khử trùng mô bằng Starner 20 WP cấy bằng Clorox hoặc Hipocloritcalci, bổ sung các chất điều hòa sinh trưởng. Có thể tách mầm từ các chậu lan lớn, mỗi phần để 2-3 nhánh. Dùng dao sắc khử trùng bằng cồn, vết cắt cần gọn, sau cắt bôi vôi vào vết cắt cho nhanh lành sẹo.
3. CHUẨN BỊ GIÁ THỂ VÀ CHẬU
Có thể lấy than gỗ, xơ dừa, vỏ lạc làm giá để trồng lan. Than gỗ nung cần chặt khúc, kích thước 1 x 2 x 3cm, than phải ngâm, rửa sạch, phơi khô. Xơ dừa xé cho tơi ngâm khoảng 1 tuần cho bớt tanin và mặn, phơi khô. Mụn dừa cũng cần rửa sạch phơi khô. Vỏ dừa chặt khúc 1 x 2 x 3 cm xử lý bằng nước vôi 5%. Chậu trồng bằng nhựa hay đất nung, kích cỡ tuỳ loại và độ tuổi.
4. KỸ THUẬT CHUYỂN CHẬU
Nếu dùng lan cấy mô thì khi lan mô đạt khoảng 4cm cần chuyển ra ngoài. Cây mô rửa sạch để trên miếng lưới hay rổ kê trên chậu nước để giữ mát cho cây con. Giai đoạn trồng chung trên giàn lấy xơ dừa bó xung quanh cây lan cấy mô, dùng dây thun cuốn lại rồi đặt lên giàn. Sau khi trồng trên giàn được 6-7 tháng thì chuyển sang chậu nhỏ. Khoảng 6 tháng thì chuyển sang chậu lớn. Sau mỗi lần chuyển chậu khoảng một tuần mới được bón phân. Việc thay đổi chậu còn tùy kích cỡ của cây, mức độ thối, hư mục rêu bám… Nếu trồng lan để chơi, lan lâu ngày ra hoa ít cần dỡ lan ra khỏi chậu, cắt bớt các rễ già và quá dài, chuyển sang chậu mới, thay giá thể mới, lan sẽ sinh trưởng tốt và ra hoa trở lại.
5. CHĂM SÓC LAN
Lan là cây trồng dễ chăm sóc nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng.
+ Chiếu sáng:
Mật độ chiếu sáng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sinh trưởng, phát triển và ra hoa của lan. Thiếu nắng cây lan vươn cao nhưng nhỏ và ốm yếu, lá màu xanh tối, dễ bị sâu bệnh tấn công, cây ít nảy chồi, khó ra hoa, hoa nhỏ và ngắn màu sắc không tươi, hoa nhanh tàn. Thừa nắng lan thấp cây, lá vàng có vết nhăn và khô, mép lá có xu hướng cụp vào, dễ ra hoa sớm khi cây còn nhỏ nên hoa ngắn, nhỏ, cây kém phát triển. Nếu nắng gắt quá lá sẽ bị cháy, khô dần rồi chết.
Lan có yêu cầu khác nhau về mức độ chiếu sáng tùy theo loài lan và tuổi cây. Lan Hồ điệp (Phalaenopsis) ít chịu nắng nhất, có thể chịu được 30% nắng, lan Cattleya chịu được 50% nắng, lan Dendrobium hay Vanda lá hẹp chịu được 70% nắng, trong khi lan Vanda lá dài và Bò cạp chịu được tới 100% nắng. Lan con từ 0-12 tháng đang trong giai đoạn tăng trưởng thân lá chỉ cần chiếu sáng 50%, lan nhỡ từ 12-18 tháng cần chiếu sáng tới 70% và thời điểm kích thích ra hoa có thể cho chiếu sáng nhiều hơn, thậm chí bỏ dàn che để chiếu sáng tự nhiên. Hướng chiếu sáng cũng rất quan trọng đối với lan. Lan đặt ở hướng Đông nhận ánh nắng buổi sáng sẽ tốt hơn nhiều so với lan đặt ở hướng Tây nhận ánh nắng buổi chiều. Chính vì vậy nếu trồng lan trên sân thượng hay ban công ở phía Tây lan kém phát triển và ít hoa. Khi trồng lan cần bố trí hàng theo hướng Bắc– Nam để cây nhận được ánh sáng phân bố đầy đủ nhất.
+ Phân bón:
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với lan. Khi lan đầy đủ dinh dưỡng cây tươi tốt, ra nhiều hoa, hoa to đẹp, bền trong khi thiếu dinh dưỡng lan còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa. Lan cần 13 chất dinh dưỡng khoáng, thuộc các nhóm đa, trung và vi lượng: Dinh dưỡng đa lượng gồm Đạm (N), Lân (P) và Kali (K). Dinh dưỡng trung lượng gồm Lưu huỳnh (S), Magiê (Mg) và Canxi (Ca). Dinh dưỡng vi lượng gồm Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Bo (B), Molypđen (Mo) và Clo (Cl).
Thiếu đạm, cây còi cọc, ít ra lá, ra chồi mới, lá dần chuyển vàng theo qui luật lá già trước, lá non sau, rễ mọc ra nhiều nhưng cằn cỗi, cây khó ra hoa.
Thừa đạm, thân lá xanh mướt nhưng mềm yếu, dễ đổ ngã và sâu bệnh, đầu rễ chuyển xám đen, cây khó ra hoa.
Thiếu lân, cây còi cọc, lá nhỏ, ngắn, chuyển xanh đậm, rễ không trắng sáng mà chuyển màu xám đen, không ra hoa.
Thừa lân cây thấp, lá dày, ra hoa sớm nhưng hoa ngắn, nhỏ và xấu, cây mất sức rất nhanh sau ra hoa và khó phục hồi. Thừa lân thường dẫn đến thiếu Kẽm, Sắt và Mangan.
Thiếu kali, cây kém phát triển, lá già vàng dần từ hai mép lá và chóp lá sau lan dần vào trong, lá đôi khi bị xoắn lại, cây mềm yếu dễ bị sâu bệnh tấn công, cây chậm ra hoa, hoa nhỏ, màu không sắc tươi và dễ bị dập nát.
Thừa kali, thân lá không mỡ màng, lá nhỏ. Thừa kali dễ dẫn đến thiếu magiê và can xi.
Thiếu lưu huỳnh, lá non chuyển vàng nhạt, cây còi cọc, kém phát triển, sinh trưởng của chồi bị hạn chế, số hoa giảm
Thiếu magiê, thân lá èo uột, xuất hiện dải màu vàng ở phần thịt của các lá già trong khi hai bên gân chính vẫn còn xanh do diệp lục tố hình thành không đầy đủ, cây dễ bị sâu bệnh và khó nở hoa.
Thiếu canxi, cây kém phát triển, rễ nhỏ và ngắn, thân mềm, lá nhỏ, cây yếu dễ bị đổ ngã và sâu bệnh tấn công
Thiếu kẽm, xuất hiện các đốm nhỏ rải rác hay các vệt sọc màu vàng nhạt chủ yếu trên các lá đã trưởng thành, các lá non trở nên ngắn, hẹp và mọc sít nhau, các đốt mắt ngọn ngắn lại, cây thấp, rất khó ra hoa.
Thiếu đồng, xuất hiện các đốm màu vàng và quăn phiến lá, đầu lá chuyển trắng, số hoa hình thành ít bị hạn chế, cây yếu dễ bị nấm tấn công.
Thiếu sắt, các lá non chuyển úa vàng sau trở nên trắng nhợt, cây còi cọc, ít hoa và dễ bị sâu bệnh tấn công.
Thiếu mangan, úa vàng giữa các gân của lá non, đặc trưng bởi sự xuất hiện các đốm vàng và hoại tử, các đốm này xuất hiện từ cuống lá non sau lan ra cả lá, cây còi cọc, chậm phát triển.
Thiếu bo, lá dày, đôi khi bị cong lên và dòn, cây còi cọc, dễ bị chết khô đỉnh sinh trưởng, rễ còi cọc số nụ ít, hoa dễ bị bị rụng, không thơm và nhanh tàn.
Thiếu molypden, xuất hiện đốm vàng ở giữa các gân của những lá dưới, nếu thiếu nặng, các đốm này lan rộng và khô, mép lá cũng khô dần, cây kém phát triển.
Thiếu clo, xuất hiện các vệt úa vàng trên các lá trưởng thành sau chuyển màu đồng thau, cây còi cọc, kém phát triển.
Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao, vì vậy bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là bằng cách phun qua lá. Phân bón cho lan phải chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng với thành phần và tỷ lệ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Nguyên tắc chung là lan trong thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp, trước khi ra hoa cần lân và kali cao, đạm thấp trong khi lan nở hoa cần kali cao, lân và đạm thấp hơn.
Phân bón thích hợp cho các thời kỳ này là Đầu Trâu 501, 701 và 901, đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng phun tùy thuộc tuổi và thời kỳ phát triển như sau:
+ Lan mới trồng 0-6 tháng hoặc lan mới ra chồi non sau cắt hoa: Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 (30-15-10) nồng độ 500 ppm (0,5 g/lít). Giai đoạn trước 3 tháng phun định kỳ 3 ngày/lần, từ 3-6 tháng định kỳ 7 ngày/lần.
+ Lan mới trồng 6-12 tháng hay lan cũ có chồi mới đang phát triển mạnh: Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 (30-15-10) nồng độ 2.000 ppm (2g/lít), định kỳ 7 ngày/lần.
+ Lan mới trồng 12-18 tháng hay lan cũ có chồi đã thành thục chuẩn bị ra hoa: Phun phân bón lá Đầu Trâu 701 (10-30-20) nồng độ 3.000 ppm (3g/lít), định kỳ 7 ngày/lần. Giai đoạn này cần giảm nước tưới và bỏ bớt mật độ giàn che để năng mức độ chiếu sáng nhằm kích thích ra hoa.
+ Khi vòi hoa xuất hiện: Phun phân bón lá Đầu Trâu 901 (15-20-25) nồng độ 2.000 ppm (2g/lít) nhằm thúc hoa nở to, đẹp, giữ hoa lâu tàn.
+ Tưới nước: Lan rất cần nước cho quá trình sinh trưởng phát triển. Nếu thiếu nước cây sẽ khô héo, giả hành teo lại, lá rụng nhưng không chết, nụ có thể trước khi nở hoa. Thừa nước, cây dễ bị thối đọt nhất là với các giống lan có lá đứng mọc sít nhau. Quá nhiều nước rễ có rong rêu và nấm bệnh phát triển mạnh. Nước tưới cho lan không quá mặn, phèn và clor dưới ngưỡng cho phép, pH 5,6. Chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.
+ Phòng trừ sâu bệnh: Lan là cây cũng dễ bị sâu bệnh, nhất là trong điều kiện chăm sóc kém, điều kiện môi trường không thuận lợi. Tùy theo từng loại sâu bệnh mà dùng các loại thuốc thích hợp. Liều lượng và nồng độ phun cần theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Nếu lan bị các loại sâu hại thân lá có thể dùng các thuốc chứa hoạt chất Fenitrothion, Trichlorfon như Ofatox 400EC, hoạt chất Cartap như Patox 95SP hay Captafon, Captan hoặc Actara 25WG. Lan bị rệp sáp, rệp trắng, rầy mềm dùng Supracid 40ED/ND, Suprathion 40EC, Bitox 40EC hay Ofatox 400EC. Lan bị nấm, vi khuẩn hay virus gây nên tình trạng cháy lá từng đám, vết cháy lan tròn dần, bệnh thối rễ dùng Zinep, Starner 20 WP hay Benomyl.
6. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN

Hoa cắt cánh ngâm trong dung dịch khoảng 15 phút, giúp hoa lâu héo, sau đó bọc lại bằng giấy báo.

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Địa Lan - Cymbidium



KỸ THUẬT TRỒNG ĐỊA LAN 
Cymbidium



Thổ lan có hai loại: hoa lớn (standard) và hoa nhỏ (miniature) sau này những nghệ nhân đã ghép ra một loại là hoa vừa (novelty) được ghép từ hoa lớn với hoa nhỏ, và những loại hoa rũ buông thõng (pendulous) được ghép ra hầu hết từ giống thổ lan Gấm Ngũ Hổ (devonianum) hay cây Lộ Hồi (aloifolium).
Hình dáng thổ lan đều giống nhau, lá dài, bẹ củ, dò hoa mộc ở dưới gốc lên, nhiều giống một củ ra hai dò hoa hay nhiều hơn, và có loại ra dò hoa hai năm liên tiếp cùng một củ, những loại đó thường được ghép với giống Cym. suave hay Cym. madidum, hai giống này từ Úc Châu, như cây Hà Bui 90% được ra hoa hai năm liên tiếp cùng một củ.
Đa số thổ lan nở hoa vào mùa đông, xuân, nhưng sau này có nhiều loại được làm ra nở hoa vào mùa hè hoặc cuối hè, những loại này được làm ra để cung ứng cho thị trường Nam Mỹ, Á Châu và cũng được trồng ở Texas, Flolida, loại này cũng trồng được ở miền nam Việt Nam, nếu những nơi đó hội được điều kiện nhiệt độ ban ngày 90-95°F (hay 32-35°C), ban đêm 70-75°F (hay 21-23°C).

CÁCH TRỒNG
Nhiệt Độ
Thổ lan cần nhiệt độ thay đổi ngày nóng, đêm lạnh .ban ngày 80-90°F (27-32°C ) ban đêm 50-60°F (10-15°C). Thổ lan có thể chịu nóng tới 100°F và lạnh tới 30°F miễn là không đóng băng, ngoài ra nếu không có sự cách biệt giữa ngày và đêm tối thiểu từ 15°F cho đến 20°F (13-16°C), hầu như thổ lan sẽ không ra hoa.

Ánh Sáng

Thổ lan cần nhiều ánh nắng, nhưng phải che lưới để phòng bị cháy lá. Nhiều ánh sáng sẽ dễ ra hoa, có nhiều hoa hơn và mầu sắc sẽ trung thực hơn, thiếu ánh sáng sẽ làm cho hoa nhạt đi. Không thể nuôi thổ lan ở trong nhà hoặc ở những nơi rợp mát. Thổ lan vẫn ra hoa không cần phân bón, nếu đầy đủ ánh sáng, nhưng nếu có phân bón thì sẽ có nhiều hoa hơn. Thật ra ánh sáng mới là thức ăn chính cho cây cỏ bông hoa, còn phân bón chỉ là thuốc bổ mà thôi.
Ẩm Độ

Thổ lan cần độ ẩm từ 40-70%, mùa hè cần tưới nước xuống đất hay phun sương vào buổi sáng hay chiều để tăng thêm độ ẩm.

Tưới Nước
Thổ lan cần tưới nước mỗi tuần một lần, nhưng mùa hè cần tưới nhiều hơn, có thể tưới 2-3 lần tùy theo địa phương, không nên để cây bị thiếu nước lúc cây đang phát triển, khi cây đã ngưng tăng trưởng bớt tưới nước, nhưng đừng để cây bị khô rễ, sẽ làm cho cây bị khựng lại, và có thể sẽ không ra hoa.

Bón Phân

Khi mùa phát triển cho cây con, cần bón phân 30-10-10 mỗi tuần một lần, chỉ dùng ¼ của công thức của nhà chế tạo. Thí dụ công thức dùng 1 tsp cho một gallon nước thì dùng ¼ tsp cho một gallon nước, để tránh cây khỏi bị cháy lá. Khi cuối tháng 8 dùng phân bón 6-30-30 hay 10-52-10, cuối tháng 11 ngưng tưới phân, chỉ tưới nước thường, tưới thêm phân sẽ làm cho nụ hoa bị nóng có thể bị rụng hay bị có tật.

Thay Chậu

Trung bình 2-3 năm nên thay chậu một lần - nếu trồng bằng vỏ thông, 4-5 năm một lần - nếu trồng bằng vỏ dừa.

Trồng thổ lan bằng:

Vỏ thông vừa ½” (medium grade) 4 phần vỏ thông, 1 phần perlite
Vỏ thông lớn ¾” (large grade) 4 phần vỏ thông, 1 phần perlite
Vỏ dừa vừa ½” (medium grade) 4 phần vỏ dừa, 1 phần perlite
Vỏ dừa lớn ¾” (large grade) 4 phần vỏ dừa, 1 phần perlite




Trước khi thay chậu hay chia cây, nên ngâm các vật liệu trong nước nhiều giờ, không nên dùng potting soil (đất) tuy gọi là thổ lan nhưng không nên trồng với đất hay dưới đất, vì dễ bị ứ nước sẽ dễ bị thối rễ.

Khi dùng vỏ dừa nên ngâm cho thật kỹ, khi nào không còn thấy đậm như nước trà nữa thì dùng sẽ tốt hơn.

Không nên để hoa tàn hết trên cành, nếu còn khoảng 2-3 nụ thì nên cắt xuống rồi cắm vào trong những bình hoa, nếu để tàn hết trên cành sẽ làm cho cây yếu đi, sẽ khó ra hoa cho mùa tới.

Sau khi hoa tàn là thời gian tốt nhất để thay châu hay chia cây, cắt bỏ rễ khoảng 2-3” inch từ đáy chậu, lấy hết vật liệu cũ ra, cắt bỏ những củ già không có lá (back bulb) và tỉa bỏ những rễ chết. Khi tách ra làm nhiều phần, nên giữ tối thiểu 3-5 nhánh, những củ già không lá, rửa sạch để cho ráo nước rồi bỏ vào bao nylon, buộc miệng kín lại rồi để vào chỗ rợp mát, khi nào củ mọc mầm và rễ rồi sẻ trồng lại.

Khi trồng, lựa chậu đủ chỗ cho lan mọc trong 2-3 năm, cách mép chậu khoảng 2-3” inch, đặt củ già gần mép chậu, để ý hướng cây mọc, chừa cho chỗ mầm non mọc lên, bỏ vỏ cây hay vỏ dừa vào rồi nén cho thật chặt, tưới B1 pha 1 thìa súp cho 1 gallon nước, xong rồi để vào chỗ rợp mát 2-3 tuần mới tưới.

CẢM ƠN Các Bạn Đã Quan Tâm !

02
03 04 05 06 07
08 09 10 11